October 5, 2016

Năm mươi năm sau Cách mạng Văn hóa

David Boaz

Phạm NguyênTrường dịch

Tự do hóa trong lĩnh vực kinh tế làm cho Trung Quốc trở thành tự do hơn về chính trị.


Ngày 16 tháng 5 năm 1966, được coi là khởi đầu của cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc. Trung Quốc thời hậu-Mao chưa bao giờ thực sự giải quyết di sản của Mao Trạch Đông và đặc biệt là cuộc Cách mạng Văn hóa đầy tai họa.

Mao phát động Cách mạng Văn hóa

Nhiều quốc gia có huyền thoại về việc lập quốc, nó truyền cảm hứng và góp phần củng cố nền văn hóa quốc gia. Nam Phi thường tổ chức kỷ niệm những thành tựu của Nelson Mandela, người sáng lập chế độ dân chủ hiện đại, đa sắc tộc của đất nước này. Ở Hoa Kỳ, chúng ta nhìn vào cuộc Cách mạng Mỹ và đặc biệt là những tư tưởng trong bản Tuyên ngôn Độc lập, ngày 4 tháng 7 năm 1776.

Tuyên ngôn độc lập do Thomas Jefferson chấp bút, là luận văn hùng hồn của những người theo phái tự do cá nhân, nhất là cốt lõi máng tính triết học của nó:

"Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Tạo hóa đã ban cho họ một số quyền bất khả tương nhượng, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Rằng các chính phủ được lập ta là để đảm bảo cho những quyền này, chính phủ có những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân. Rằng khi một hình thức chính quyền nào đó đã trở thành nhân tố phá hoại đối với những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, xây dựng nền tảng của nó trên những nguyên tắc cũng như tổ chức quyền lực của nó theo một hình thức mà họ cho là có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của mình".

Các tư tưởng của Tuyên ngôn, được trình bày bằng hình thức pháp lý trong Hiến pháp, đã đưa Hoa Kỳ từ một tiền đồn nhỏ bên rìa của các nước phát triển thành đất nước giàu mạnh nhất thế giới trong chưa đến một thế kỷ. Đất nước này chưa theo được tầm nhìn của bản Tuyên ngôn, đặc biệt là về chế độ nô lệ. Nhưng trong hai thế kỷ tiếp theo, tầm nhìn đó đã trở thành cảm hứng cho người Mỹ trong việc khuếch trương những lời hứa của bản Tuyên ngôn – quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc – cho ngày càng nhiều người hơn.

Trung Quốc, tất nhiên, đã đi theo tầm nhìn khác nhau, tầm nhìn của Mao Trạch Đông. Xin xem phát biểu của Mao, ngày 1 tháng 7 năm 1949, khi quân đội Cộng sản của ông ta sắp giành chiến thắng. Bài phát biểu có tựa đề: “Bàn về nền chuyên chính dân chủ nhân dân”. Không những không nói về quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, mà ông ta lại nói về “việc tiêu diệt một số giai cấp, về quyền lực nhà nước và của đảng”, về “xã hội chủ nghĩa và xã hội cộng sản”, về quốc hữu hóa doanh nghiệp tư nhân và xã hội hóa sản xuất nông nghiệp, về “nhà nước xã hội chủ nghĩa tuyệt vời và lộng lẫy” ở Nga, và đặc biệt là về “bộ máy nhà nước đầy quyền lực” nằm trong tay “chế độ chuyên chính dân chủ của nhân dân”.

Thật khủng khiếp và không thể tin được rằng, tầm nhìn đó có sức hấp dẫn không chỉ với nhiều người Trung Quốc mà có sức hấp dẫn ngay cả với người Mỹ và người châu Âu, trong đó có cả những người xuất chúng. Nhưng ngay từ đầu, đấy đã là quan điểm sai lầm khủng khiếp, đáng lẽ có thể dự đoán được. Chủ nghĩa cộng sản đã tạo ra ở Trung Quốc cảnh đói nghèo cùng cực. Chính sách Đại Nhảy Vọt đã làm nhiều người chết đói. Cách mạng Văn hóa đã tháo cũi sổ lồng “cho sự điên rồ mang tên cách mạng đạt đến đỉnh điểm”, trong đó “hàng chục triệu nạn nhân vô tội đã bị đàn áp, bị mất nghề nghiệp, bị rối loạn về tinh thần, bị tàn phế về thể xác và thậm chí là bị giết”. Ước tính số người chết một cách bất thường trong thời gian Mao cầm quyền là từ 15 triệu đến 80 triệu. Khủng khiếp đến nỗi chúng ta không thề nào hiểu nổi. Cái làm cho nhiều người cánh tả ở Mỹ và châu Âu phấn khích là dường như Mao thực sự tin vào tầm nhìn của cộng sản. Và cố gắng nhằm xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên thực tế đã gây ra thảm họa và chết người.

Đấu tố trong Cách mạng Văn hóa

Mao chết năm 1976, và Trung Quốc đã thay đổi một cách nhanh chóng. Người đồng chí cũ của ông ta, ông Đặng Tiểu Bình, nạn nhân của cuộc Cách mạng Văn hóa, đã rút ra được điều gì đó từ kinh nghiệm của 30 năm đại họa. Đặng Tiểu Bình bắt đầu thực hiện chính sách mà ông gọi là “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”, tương tự như các thị trường tự do hơn: phi tập thể hóa và “hệ thống trách nhiệm” trong lĩnh vực nông nghiệp, tư nhân hóa các doanh nghiệp, thương mại quốc tế, tự do cư trú.

Những thay đổi ở Trung Quốc trong thế hệ vừa qua là câu chuyện vĩ đại nhất thế giới – hơn một tỷ người được đưa từ chế độ toàn trị sang hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, và nền kinh tế này đang gậm nhấn dần chủ nghĩa toàn trị vẫn còn rơi rớt lại trong hệ thống chính trị. Vào ngày kỉ niệm lần thứ 90 ngày thành lập (năm 2011 – ND), Đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn cai trị Trung Quốc bằng bàn tay sắt. Không có đối lập chính trị công khai, không có thẩm phán hoặc phương tiện truyền thông độc lập. Nhưng những thay đổi trong lĩnh vực kinh tế đang phá hoại ngầm quyền kiểm soát của đảng, đây là thách thức mà đảng cũng nhận thức được. Năm 2008, Howard W. French viết trên tờ New York Times:

"Thay đổi về chính trị, dù diễn ra một cách chậm chạp và đầy mâu thuẫn, đối với người dân bình thường, Trung Quốc đã trở thành đất nước cởi mở hơn rất nhiều so với thế hệ trước đây.

Nhiều thứ vẫn vẫn còn chưa được tự do. Quyền thể hiện công khai và hội họp vẫn còn bị hạn chế gay gắt; các dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở Tây Tạng và Tân Cương, bị đàn áp; và đảng vẫn giữ gần như độc quyền hoàn toàn trong quá trình ban hành quyết định chính trị.

Nhưng ngày càng có nhiều người Trung Quốc sống ở nơi mà họ muốn. Ngày càng có nhiều người đi du lịch nước ngoài hơn. Quyền sở hữu ngày càng được toà án ủng hộ hơn. Trong những giới hạn đã được xác định rõ, người dân cũng được hưởng những thành quả của cuộc cách mạng công nghệ, từ điện thoại di động tới Internet, và có thể giao tiếp hoặc tìm thông tin với một cách dễ dàng, chả có mấy nước toàn trị trong quá khứ có hiện tượng như thế".

Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn còn nắm quyền kiểm soát. Và dưới quyền cai trị ngày càng độc đoán của Tập Cận Bình, chủ nghĩa Mao đang dần hồi phục, như một đồng nghiệp cũ của tôi, ông Jude Blanchette viết. Nhưng ít nhất, một công trình nghiên cứu đã phát hiện ra có sự chia rẽ về tư tưởng ở Trung Quốc, giữa những người ủng hộ nhà nước mạnh – đấy là những theo phái xã hội chủ nghĩa và bảo thủ về mặt văn hóa - và những theo phái tự do, ủng hộ “chế độ dân chủ hợp hiến và tự do cá nhân, ... cải cách theo xu hướng thị trường ... khoa học hiện đại và những giá trị như tự do tình dục”.

Chính phủ của Tập Cận Bình đang tìm cách ngăn chặn, không cho người dân thu thập thông tin, ngày nào họ cũng phải chiến đấu với Google, Star TV, và các phương tiện truyền thông khác. Howard French nhận xét: “đất nước này hiện có 165.000 luật sư đã đăng ký, tăng gấp năm lần so với năm 1990, và người dân bình thường đã thuê họ để đòi thực thi những quyền được ghi trong Hiến pháp Trung Quốc”. Người dân bình thường tự quyết định trong nhiều lĩnh vực của đời sống và tự hỏi tại sao họ bị cấm đoán trong những lĩnh vực cách khác. Tôi hy vọng rằng lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc, năm 2021, Đảng này chủ yếu sẽ chỉ còn là mối quan tâm của các nhà sử học, chuyên nghiên cứu về quá khứ của Trung Quốc và lúc đó nhân dân Trung Quốc sẽ được hưởng quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc dưới quyền cai trị của chính phủ mà nguồn gốc sức mạnh của nó là sự đồng thuận của những người bị trị.

David Boaz là phó giám đốc Viện nghiên cứu mang tên Cato và là cố vấn hiệp hội sinh viên vì tự do. Ông là tác giả cuốn Chủ nghĩa tự do cá nhân: Lược khảo (Libertarianism: A Primer) và là người biên tập mười lăm cuốn sách khác, trong đó có Người đọc theo triết lí tự do: những bài viết kinh điển và hiện đại từ Lão Tử tới Milton Friedman (The Libertarian Reader: Classic and Contemporary Writings from Lao Tzu to Milton Friedman). Ông đã và đang viết cho những tờ báo lớn như the New York Times, the Wall Street Journal và the Washington Post, và là nhà bình luận thường xuyên có mặt trên các chương trình truyền hình cũng như phát thanh; ông còn tham gia viết blog cho các trang mạng như Cato@Liberty, The Guardian, The Australian, và Encyclopedia Britannica.

Đã đăng trên Dân Luận

Nguồn: http://www.libertarianism.org/publications/essays/fifty-years-after-cultural-revolution

No comments:

Post a Comment