August 23, 2016

Viết tâm thư nhờ vả chính quyền chỉ cổ vũ cho chế độ toàn trị?

Phạm Nguyên Trường, dịch từ Reviving a Civil Society; Free.org; Lawrence W. Reed; 01 tháng 9 năm 1996


Tiêu đề, đề, mục do BBT Luật Khoa tạp chí đặt

“Thuế khóa”, Oliver Wendell Holmes, Jr. nói, “là cái chúng ta phải trả để có xã hội văn minh”. Nhưng, như người đồng nghiệp trên trang mạng Freeman của tôi, Mark Skousen, giải thích trong chuyên khảo xuất sắc của mình, nhan đề “Thuyết phục hay ép buộc”: nói chính xác hơn là thuế khóa thực ra là cái giá mà chúng ta phải trả cho tình trạng thiếu văn minh. Nếu mọi người đều biết tự chăm sóc cho mình, chăm sóc gia đình mình và chăm sóc những người thiếu thốn xung quanh mình một cách tốt hơn, thì kết quả là chính phủ sẽ co lại và xã hội sẽ mạnh mẽ hơn.

Skousen đã đúng khi ông tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Viện Acton về Công trình nghiên về cứu tôn giáo và tự do: “Mỗi lần chúng ta thông qua một bộ luật hay một quy định mới, mỗi lần chúng ta tăng thuế, mỗi lần chúng ta đi chiến đấu là chúng ta thừa nhận rằng các cá nhân đã thất bại trong việc tự cai quản lấy mình. Khi chúng ta thuyết phục được mọi người làm điều đúng thì chúng ta có thể tuyên bố rằng mình đã chiến thắng. Nhưng khi chúng ta ép buộc người ta phải làm điều đúng thì chúng ta đã thất bại”. Chiến thắng của thuyết phục trước bạo lực, mọi người giúp đỡ lẫn nhau, vì họ muốn như thế chứ không phải vì chính phủ bảo rằng họ phải làm như thế, là dấu hiệu của dân tộc văn minh, dấu hiệu của xã hội dân sự.

Vì tất cả mọi người đều quan tâm đến việc thúc đẩy và làm giàu cho nền văn hóa của chúng ta, đây là nhận xét rất quan trọng, có tác động sâu rộng. Tiến bộ về văn hóa không thể được định nghĩa như là giành giật ngày càng nhiều những thứ mà người khác kiếm được và dùng bộ máy quan liêu của chính phủ để chi tiêu cho những thứ gọi là “tốt”. Tiến bộ về văn hóa chỉ thực sự xảy ra khi các cá nhân giải quyết các vấn đề mà không cần đến các chính trị gia hoặc cảnh sát cũng như các quan chức họ mà họ đang thuê.

Sự trẻ trung của xã hội dân sự Hoa Kỳ

Khi Alexis de Tocqueville đã đến thăm nước Mỹ trẻ trung và sôi nổi hồi những năm 1830, ông nói rằng sự sống động của xã hội dân sự là một trong những tài sản lớn nhất của đất nước này. Ông đã ngạc nhiên khi thấy người Mỹ liên tục lập ra “những hiệp hội” nhằm thúc đẩy nghệ thuật, xây dựng thư viện và bệnh viện, và giải quyết tất cả các nhu cầu của xã hội. Khi cần làm một điều tốt nào đó, tổ tiên của chúng ta ít khi chờ đợi các chính trị gia và các quan chức, những người xa cách họ cả về không gian lẫn tinh thần. “Trong các điều luật cai trị bản chất của con người”, Tocqueville viết trong tác phẩm Nền Dân Trị Mỹ, “chẳng điều luật nào chính xác hơn và rõ ràng hơn những điều luật khác. Nếu con người phải tiếp tục là người văn minh, hoặc trở thành văn minh hơn thì nghệ thuật kết hợp người ta với nhau phải phát triển và hoàn thiện”.

Nữ sinh Tô Thị Đệ (trái) và Nguyễn Như Quỳnh viết tâm thư gửi lên đến cả các chức danh đứng đầu nhà nước để kiến nghị được học tập ngành Công An. Ảnh: NVCC / VnExpress

Hiện nay, càng rõ ràng hơn, chính quyền các cấp đã ngốn tới 41% thu nhập cá nhân, làm cho nhiều người Mỹ không nghĩ, không hành động và bầu cử theo cách mà tổ tiên của họ đã làm trong thời của Tocqueville. Làm sao chúng ta có thể phục hồi và củng cố thái độ và các thiết chế từng là nền tảng của xã hội dân sự Mỹ?

Chắc chắn, chúng ta không bao giờ có thể làm được như vậy nếu cứ mù quáng bám vào các chương trình của chính phủ, tức là những chương trình loại bỏ sáng kiến tư nhân hoặc bằng cách bài bác động cơ của những người nghi ngờ một cách chính đáng những chương trình đó của chính phủ. Chúng ta không thể khôi phục được xã hội dân sự, nếu chúng ta không có niềm tin vào chính mình và tin rằng chính phủ nắm độc quyền về lòng từ bi. Chúng ta sẽ không bao giờ làm được điều đó nếu chúng ta đánh thuế đến 41% thu nhập của người dân và sau đó – giống như những đứa trẻ chưa bao giờ biết cộng trừ nhân chia – lại phàn nàn rằng người ta không thể đủ khả năng đáp ứng một số nhu cầu nhất định.

Xã hội dân sự là lời giải cho những vấn đề xã hội mà không cần đến chính phủ

Chúng ta chỉ có thể thúc đẩy xã hội dân sự khi người dân suy nghĩ nghiêm túc về việc thay các chương trình của chính phủ bằng sáng kiến cá nhân, khi những cuộc thảo luận vượt qua được những lập luận trẻ con như: “Nếu bạn muốn cắt những khoản trợ cấp của chính phủ cho chương trình cung cấp thức ăn cho người già thì bạn phải ủng hộ hiện tượng người già chết đói”. Xã hội dân sự sẽ đơm hoa kết trái khi chúng ta hiểu rằng “thuê” người môi giới được trả lương cao của chính phủ không phải là cách tốt nhất để “làm điều thiện”, mà lại thường xuyên phá vỡ mối liên kết giữa những người thiếu thốn và những người chu đáo, muốn giúp đỡ. Chúng ta sẽ tạo được tiến bộ khi công nhận rằng những biện pháp chữa trị của chính phủ là từ-thiện-sai-lầm hay rũ bỏ trách nhiệm, không làm được việc gì tốt hết, mặc dù nó làm cho những người ủng hộ những chương trì như thế tự mãn, hài lòng.

Khôi phục xã hội dân sự không phải là việc dễ. Những thói quen xấu và tư duy theo kiểu mì ăn liền tồn tại dai dẳng lắm. Thật khó đưa được thông điệp của xã hội dân sự qua bộ lọc của các phương tiện truyền thông lớn mà không làm cho nó sai lạc đi. Ví dụ rõ nhất là bài xã luận trong số ra gần đây trên một tờ báo lớn ở bang Michigan. Trong khi đưa ra luận cứ nhằm chống lại những khoản cắt giảm được nêu ra trong ngân sách của nhà nước, ban biên tập đã đánh đồng quá trình khôi phục xã hội dân sự với việc buộc đời sống con người phụ thuộc “vào sự hào phóng của người trả giá cao nhất trên thương trường”. Thật là xấu hổ khi thấy nhiều tờ báo thường xuyên than thở về sự hời hợt của các chiến dịch chính trị, nhưng khi nói tới những đề xuất nghiêm túc nhằm đưa chính phủ lớn ra khỏi đời sống của chúng ta thì lại sử dụng những khẩu hiệu chán ngắt.

Ban biên tập này không cho ai ăn, không cung cấp quần áo hay nhà ở cho bất cứ người nghèo nào. Có lẽ họ cũng chẳng làm gì nhằm an ủi những người bị ảnh hưởng. Họ cũng không thay mặt gia đình gặp khó khăn, đứng ra khuyến khích bất kì hành động tự nguyện nào. Nhưng, họ có thể đã ru số độc giả say sưa ngủ vì tự mãn. Nói cho cùng, chính phủ quan tâm đến các sự vật, sự kiện, đấy là điều ban biên tập muốn nói, và đúng là phải như thế.

Trong khi đó, những người cầm bút chín chắn hơn nhận thấy rằng ở trong nước đang có những xu hướng đáng khích lệ. Một bài báo đáng chú ý, ra ngày 29 tháng 1 năm 1996, trên tờ U.S. News & World Report cổ động cho “sự phục hồi đời sống dân sự”. Trong số những ví dụ mà bài báo này trích dẫn, có thị trấn Frankford, bang Pennsylvania. Frankford đã trở thành cộng đồng bị đánh thuế cao, tỏ ra chán nản, và trở thành cộng đồng phụ thuộc vào chính phủ, đang rất cần câu trả lời gấp. Một tia lửa của xã hội dân sự đã được thắp lên và hiện nay người dân đang tự giải quyết những vấn đề của họ. “Khi vụ tuyết rơi kỷ lục, dày 30 inches đổ xuống thành phố… người dân Frankford không tụ tập và phàn nàn về sự bất lực của những người lao công. Họ thuê máy ủi tuyết và chia sẻ chi phí”, bài báo viết.

Có lẽ nếu Tocqueville đến thăm thị trấn nhỏ này của bang Pennsylvania trong ngày hôm nay, ông sẽ có ý niệm lờ mờ về sự vĩ đại của nước Mỹ trong những năm 1830. Ông sẽ có ấn tượng về tinh thần cộng đồng và thậm chí có thể đề nghị người Mỹ trên khắp cả nước nên lưu ý đến trường hợp này. Các công dân, Tocqueville có thể nhận xét, không ngồi yên và than thở về hoàn cảnh của mình và viết báo nói về những biện pháp mà các chính trị gia dùng để cứu vớt họ. “Khi bạn không còn oán giận chính phủ vì họ không làm việc gì đó cho mình thì bạn sẽ tự làm”, một người dân ở đó nói.

Tất cả chúng ta đều có thể học hỏi được nhiều hơn từ những thị trấn như Frankford chứ không phải là từ những người nghĩ rằng từ thiện có nghĩa là tiêu tiền của người khác hoặc đơn giản là giảng giải về nhu cầu của xã hội trên bàn phím máy tính điện tử. Khôi phục xã hội dân sự đòi hỏi chúng ta “Phải Nói Không” với việc trốn tránh trách nhiệm cá nhân của chúng ta và chờ đợi chính phủ làm cho chúng ta những việc chúng ta có thể và phải tự làm cho mình – cả trong cuộc sống của cá nhân, trong gia đình lẫn trong cộng đồng địa phương của chúng ta. Nó đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ một cách sáng tạo về việc khuyến khích sáng kiến tư nhân, và sau đó là làm.

Lawrence W. Reed là Chủ tịch Quỹ Giáo dục Kinh tế và tác giả của cuốn sách sắp xuất bản, nhan đề Real Heroes: Inspiring True Stories of Courage, Character and Conviction.

Đã đăng trên Luật Khoa.

No comments:

Post a Comment